ạo này mình hay đọc sách của chị Phi Vân, đọc xong quyển Tôi, tương lai & thế giới 2 lần rồi mà vẫn còn muốn đọc tiếp.
Thay vì viết nhận xét về cả quyển sách, mình sẽ trích ra từ 1 chương trong sách của chị bằng một câu chuyện. Đó là buổi tọa đàm về triết lý giáo dục của Đại học Fullbright mà mình tham dự, trong đó, cô Đàm Bích Thủy có nói về giáo dục khai phóng. Đây sẽ là nơi mà các bạn sinh viên học đầy đủ các môn gồm: Nghệ thuật, Triết học, Khoa học tôn giáo, Khoa học xã hội, Toán học và Khoa học tự nhiên trong 1.5 năm trước khi bước vào học chuyên ngành mà bạn ưa thích. Mình cứ ngờ ngợ về triết lý giáo dục này, đặc biệt quan tâm vì thấy nó hay nhưng lại chưa có trường Đại học nào ở Việt Nam thực sự áp dụng. Hóa ra, trong Tôi, tương lai & thế giới chị Phi Vân đã có nhắc tới, vậy mà mình đọc rồi lại trôi tuột mất 1 khúc. Thế mới thấy đọc thôi chưa đủ, phải đi nghe, đi gặp người hiểu biết hơn mới ngộ ra được chút chút.
Đối tượng đến buổi tọa đàm hôm đó mình đoán gồm 1 là phụ huynh đang cân nhắc việc cho con em theo học tại trường và 2 là các bạn trẻ như mình "lỡ được sinh ra hơi sớm" trước khi có trường nên không biết học từ đâu, học như thể nào để theo kịp sự phát triển của thế giới. Nhưng hóa ra, những cái cần học trong thời đại này đều có ở trong Tôi, tương lại & thế giới. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, như một người chị đang hướng dẫn mấy đứa em nhỏ cách học để phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa, tác giả đã dẫn dắt gần hết những kỹ năng đôi khi bạn tưởng là bạn biết nhưng thực sự bạn chưa biết cách bắt đầu từ đâu. Ví dụ, ngày xưa, chẳng ai quan tâm đến việc phải có Kỹ năng sáng tạo (chương 6), cứ giải toán, lý, hóa giỏi là đinh ninh ra đời sẽ thành công, thế mà bây giờ, nó vô cùng quan trọng, trong khi thanh niên Việt Nam lại quá thiếu. Những công việc chính xác như lắp ráp, tính toán, thậm chí sản xuất thực phẩm hay mổ xẻ chữa bệnh, công nghệ máy móc làm tốt hơn con người gấp tỉ lần, không kêu cả, không cần phải trả lương, hiệu suất luôn ổn định, chính xác; thì cái mà con người có thể hơn máy là gì, để không bị thay thế? Một trong số đó chính là SÁNG TẠO.
Sáng tạo ở đây không phải là biết vẽ, biết phối màu, biết thiết kế hay gì, mà sáng tạo ở đây chính là tạo ra những thứ giá trị như mạng xã hội Facebook của Mark Zuckerberg, là tạo ra Iphone như Steve Job, hay công ty vận tải nhưng không có chiếc xe nào nhờ vào công nghệ như Uber hay Grab, hoặc đơn giản bạn tạo ra được một công cụ trên Excel để quản lý Nhân sự tốt hơn... Vậy nên bất cứ ai cũng cần sáng tạo, không chỉ để lập nghiệp mà còn làm việc tốt hơn, khoa học hơn và ít tốn thời gian hơn. Học như thế nào? Cách nuôi dưỡng trí sáng tạo? Cách nâng cao kỹ năng sáng tạo? Tất cả đều có trong Tôi, tương lại & thế giới. Và những kỹ năng khác đều được trình bày như một kim chỉ nam cho người trẻ như bạn và mình.
Trên đây mình chỉ nói về một chương trong quyển sách này, còn rất rất nhiều kỹ năng bạn cần phải học nếu muốn phát triển trong sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các thế hệ sau được trang bị đầy đủ "súng ống" để có thể vượt mặt bạn bất cứ lúc nào. Bởi vậy mới nói, sự học là cả đời, bạn đứng lại tức là bạn đang thụt lùi, nên đừng để mình bị thay thế bởi máy móc chuyên môn, học nhiều về chiều sâu nhưng không quên học rộng về chiều ngang. Học từ đâu? Đừng kiếm ở đâu xa, Tôi, tương lai & thế giới chính là thứ đầu tiên bạn cần đọc.
Comments