top of page
Writer's pictureNhi Nhi

Bàn về giáo dục - góc nhìn của một người mê nấu bếp

Bữa giờ muốn viết một bài về giáo dục lắm mà sợ kiến thức mình hạn hẹp nên cũng đắn đo. Sau nghĩ đi nghĩ lại thôi thì cứ viết, biết đâu ai đó cần.


Số là, vẫn ở buổi tọa đàm về triết lý giáo dục của Đại học Fullbright, điều mình tâm đắc nhất chính là kiểu học theo chữ T tức học có chiều sâu về chuyên ngành nhưng không quên phát triển chiều ngang của TS. Nguyễn Xuân Xanh. Đây có thể hiểu như giáo dục khai phóng mà các nước phát triển đang áp dụng. Nói ra thì nghe có vẻ hàn lâm nên hôm nay mình lấy ví dụ về nấu ăn để mọi người dễ hiểu hơn.



Học nấu ăn không chỉ là học cách cầm dao, làm theo công thức, và trang trí rồi phục vụ. Học nấu ăn cần có cả kiến thức vật lý, hóa học, mỹ thuật và thậm chí cả âm nhạc...


Bạn không tin ư? Lấy ví dụ nhé, nấu có nhiều kiểu nấu, nấu trực tiếp trên lửa hay gián tiếp, vì sao xài bếp điện thì chỉ đáy nồi mới nóng còn tay cầm đôi khi lại không bị ảnh hưởng? Đó không phải do cảm ứng điện từ sao? Hay vì sao sử dụng lò vi sóng, thức ăn sẽ được chín từ bên trong ra bên ngoài thay vì như cách nấu thông thường trên nồi là từ ngoài vào trong (có ai chiên chả giò bên ngoài khét lẹt bên trong sống nhăn chưa?)? Đều liên quan đến vật lý đấy, nếu nắm vững kiến thức cơ bản, bạn sẽ biết vì sao thất bại và làm thế nào để luôn nấu đúng nhiệt độ. À bạn biết không nhỉ? Nhiệt độ sôi của nước không ở 100 độ C nhé :3

Nấu ăn cần học hóa không? Có chứ, này nhé, vì sao phải cho chút giấm vào nồi luộc trứng để trứng không bị nứt vỏ? Hay tại sao nấu canh cua đồng thì nó tạo lớp riêu rất ngon, cái này không phải do phản ứng protein khi gặp nhiệt độ cao hay sao? Hoặc vì sao hành gây cay mắt, do hợp chất gì vậy? Lưu huỳnh chăng? Vậy làm thế nào để gọt hành không bị cay mắt?


Sinh học thì sao nhỉ? Vì sao dưa muối không được để không khí lọt vào? Và vì sao nó lại chua được? Đó không phải do vi khuẩn lactic sao? Vi khuẩn ăn "đường" ấy.

Oki vậy rồi mỹ thuật vẽ vời thì liên quan gì? Học về cách phối màu sắc chứ sao, vì sao món ăn của bạn trông hấp dẫn nếu có màu đỏ, bạn sẽ tứa nước miếng khi nghĩ đến màu nâu cánh gián trên miếng gà rán? Hay bạn có biết vì sao các cửa hàng thức ăn nhanh lại sơn màu nổi như đỏ và cam? Để kích thích cảm giác thèm của bạn, cũng như tạo cảm giác nhanh chóng, người ta ăn xong sẽ rời đi nhanh hơn các quán có màu trầm, ấm cúng đó.

Âm nhạc lại là một chủ đề nghe càng xa vời, nhưng không hề. Thử tưởng tượng, bạn có ăn nổi miếng bít tết thơm ngon tinh tế theo kiểu Pháp trong một buổi hẹn hò mà bạn trai chọn một quán chơi nhạc rock dập đùng đùng không? Mình đoán là không. Mà ăn hết chắc đầu óc bạn cũng căng thẳng dữ lắm. Ăn uống không chỉ bằng thị giác mà còn khứu giác, vị giác rồi cả thính giác nữa. À chắc bạn biết chuyện, con bò khi nghe nhạc giao hưởng sẽ tiết ra nhiều sữa hơn chứ? :>


Nói tóm lại, học nấu ăn không chỉ đơn giản là nấu ăn, vì nếu chỉ ráp công thức thì máy làm rất tốt và chính xác, bạn còn cần học rất nhiều môn khác tưởng chừng không liên quan lại rất hữu ích, thậm chí bạn cần phải học thêm các kỹ năng như quản lý thời gian, quan sát, giao tiếp... nữa.


Nào bây giờ, chỉ chăm chăm học 1 thứ có còn là chân lý nữa không nào. Theo quan điểm của mình, hãy luôn nâng cấp mình lên cả chiều ngang và chiều sâu, đó là cách học hợp lý được minh chứng tại nhiều quốc gia rồi. Lúc đó khả năng vận dụng của bạn sẽ tốt hơn, sức sáng tạo phát huy, khả năng làm việc hiệu quả hơn không chỉ trong 1 lĩnh vực, có như vậy bạn mới có thể phát triển tốt hơn trong thời đại này. À còn cho cả con bạn sau này nữa chứ. Đừng lãng phí thời gian nữa, học thôi nào!

4 views0 comments

Comments


bottom of page