Nhìn thật xa, định vị thật rõ, giữ chặt giá trị cốt lõi của bạn. Chuyện từ các quốc gia và tầm nhìn cho những cá nhân.
Mình theo dõi facebook của chị Phi Vân khá lâu, từ thời quen biết "sơ sơ" 1 anh khởi nghiệp thành công, thấy anh chia sẻ bài của chị nên nhấn nút theo dõi để học hỏi. Nhưng đến tận bây giờ sau một hồi lang thang nhà sách mình mới mua quyển đầu tiên của chị và thực sự quyển sách ấy không hề làm mình thất vọng. 19 chương là 19 câu chuyện về 19 quốc gia trên thế giới, những quốc gia chị đã đi qua, mình chưa bao giờ tới, nhưng qua Quảy gánh băng đồng ra thế giới, mình như được mở mang thêm 1 khối kiến thức. Mình rất thích cách viết đầy những dẫn chứng về con số, ví dụ thực tế của chị, không nói suông, không hoa mỹ, đầy xác thực. Nhưng chúng không hề khô khan, lồng ghép vào từng chương là các câu chuyện về con người tại mỗi quốc gia, những cái lạ cái hay của nước bạn. Tác giả kéo bạn đi thật xa, tới những đất nước vùng Trung Đông, quay về Châu Á, rồi lại xẹt qua châu Âu, đến những nước bạn láng giềng... rồi cuối cùng lại đặt cho bạn 1 câu hỏi mỗi bài viết. Nhìn thật xa, định vị thật rõ và quay lại với chính mình, nhìn vào chính mình.
Người ta thường hay nói, quốc gia giàu tài nguyên, có đầy đủ mọi thứ thường là những quốc gia mãi không phát triển, thậm chí nghèo nàn, lạc hậu, bạn có thể nhìn vào Công - gô, nhìn vào Ai Cập, nhìn vào Ấn Độ... để thấy. Hay những đất nước chẳng có gì trong tay lại làm nên 1 đế chế hùng mạnh. Tất cả đều được thể hiện rõ trong quyển sách 1 cách rõ ràng, rành mạch, đầy đủ số liệu chứ không phải chỉ nói suông cái chuyện ai cũng biết. Nhưng từ các quốc gia liên hệ gì đến bản thân? Ok, hãy ngồi xuống và phân tích bạn sẽ thấy 1 đứa trẻ ở 1 gia đình trung lưu, có đầy đủ mọi thứ thường có sức ì lớn hơn nhưng cô cậu bé thiếu thốn vật chất. Vượt sướng khó hơn gấp tỉ lần vượt khổ, không có gì nên người ta phải đầu tư vào giáo dục và con người trước nhất. Bất kì quốc gia nào cũng vậy muốn phát triển thần kì phải thay đổi đầu tiên từ hệ giáo dục tư duy, đầu tư vào con người rồi đến cơ sở hạ tầng... Không tin, hãy nhìn vào Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản để hiểu rõ hơn. Chắc bạn đã từng đọc về sự phát triển của Hàn Quốc khi đầu tư vào K-pop, dòng chảy Hallyu, mang các tác phẩm điện ảnh nước nhà ra thế giới... trong quyển sách của Tony Buổi Sáng, nhưng bạn có biết điều gì thúc đẩy tổng thống bây giờ là Kim Young-sam làm điều đó không? Hãy đọc Quảy gánh băng đồng ra thế giới.
Thế giới này chẳng có ý nghĩa gì nếu mình đi như 1 kẻ mộng du. Hãy nhắm mắt lại đi và tưởng tượng điểm dến của tâm hồn trước giờ xuất phát.
19 quốc gia, giàu mạnh có, nghèo nàn có, nhưng sâu trong đó là mỗi bài học lớn. Mình đã mong đợi tác giả viết về Việt Nam, để nhìn rõ hơn về đất nước mình, nhưng lại không có, mà kết thúc là 1 lá thư cho chương 20. Nhưng rồi khi đọc lần thứ 2 mình chợt hiểu ra, à có chứ, Việt Nam có mặt trong mỗi chương, đều được nhắc tới và đưa lên bàn cân với những nước còn lại. Không chỉ có đất nước, bản thân người đọc cũng sẽ được đưa vào nhưng chỉ với một câu hỏi nhẹ nhàng, để mình thấy những đất nước đã từng yếu kém đang vượt mặt mình như thế nào, thấy mình thấy vị trí của mình đang ở đâu? Để mình thấy khoan hãy vội tự hào, bạn đã làm được gì chưa, đã làm gì để thay đổi đầu tiên là bản thân, đến gia đình, đến mọi người xung quanh, và đến đất nước?
Một quốc gia muốn phát triển có lẽ trước tiên cần 1 tầm nhìn, 1 cá nhân muốn đóng góp trước tiên cần hoàn thiện bản thân mình, và tất nhiên bạn cũng cần 1 tầm nhìn. Quảy gánh băng đồng ra thế giới đáng để bạn đọc 1 lần trong đời, như mình khi nằm trên chuyến tàu Bắc-Nam băng qua những cánh đồng, nhìn qua cửa sổ, nghĩ mãi... giá trị cốt lõi của mình là gì?
Comments